LONG ĐÌNH - HIỆN VẬT ĐẶC SẮC THUỘC DÒNG GỐM CỔ BÁT TRÀNG CỦA BẢO TÀNG HÀ NỘI

                                                                        

            Năm 1995 ,trong cuốn sách Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV – XIX  ,chúng tôi đã giới thiệu về chiếc Long đình gốm men trắng ngà và xanh rêu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Hiện vật này có chiều cao 59,7 cm, cạnh chân đế hình vuông 28 cm.

 

Long đình được tạo dáng tương tự loại long đình bằng gỗ chạm ,sơn son thiếp vàng, có cấu tạo gồm 3 phần liền nhau: mái, thân và chân đế.

 

          Đỉnh mái long đình tạo  hình búp sen tròn đều, bốn mặt mái hình thang cân, các góc mái uốn cong, 4 đường gờ ghép  mái tạo hình mây lửa tương tự vây lưng rồng. Thân long đinh tạo hình khối hộp chữ nhật với các góc kiểu cột vuông. Mặt trước có tường vây lan can như thu nhỏ bức tường trong thực tế.. Chân đế long đìnhtạo hình khối hộp chữ nhật hai cấp, kiểu dáng tương tự chân đế lư hương chữ nhật.Điều đặc biệt đáng chú ý là kỹ thuật trang trí trên long đình.Đó là sự kết hợp tinh tế trang trí hoa văn nổi để mộc với vẽ lam.

 

          Đề tài trang trí nổi gồm các băng cánh sen đầu vuông, hoa sen, hoa cúc hình ô van, hình rồng với các bố cục: rồng nổi, đuôi vút lên trên, hai chân trước chống, đầu uốn lên trong ô hình chữ nhật, tương tự hình rồng trên các chân đèn, lư hương có minh văn thế kỷ XVII. Có thể thấy những mẫu hoa văn này trên lư hương chùa Sùng Báo tạo tác vào ngày 3 tháng 12 năm Giáp Tuất (1634) hiện lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia.Hay lư hương tạo tác năm Ất Hợi (1635) hiện lưu giữ tại Bảo tàng British,London.Những hình nghê quỳ,hình rồng mây nổi để mộc cũng y trang trên Chân đèn đế nghê của chùa Thánh Ân tạo tác vào ngày lành tháng 12 năm Đinh Sửu (1637) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guimet,Pais.   Hình nghê chạm nổi kiểu phù điêu ghép thành cặp đối xứng, hai chân trước quỳ, hai chân sau chống hay hai chân trước chống, hai chân sau quỳ. Tượng nghê nhỏ nhắn xinh xinh kiểu tượng tròn, đầu chúc xuống, đuôi vút lên đặt trước hàng lan can.

 

          Phần chân đế long đình tạo dáng theo kiểu các chân đế lư hương, chạm hoa văn hình mây cuốn giống như các trường hợp đã dẫn trên đây. Trên 4 mặt của bộ mái long đình vẽ 4 dải mây bằng men lam.Long đình được phủ men màu trắng ngà điểm thêm men màu xanh rêu ngoài phần trang trí nổi để mộc.Căn cứ vào trang trí của long đình không chỉ cho ta thấy rõ niên đại TK XVII mà còn khẳng định đây  một tác phấm gốm độc nhất vô nhị của dòng gốm cổ Bát Tràng.

 

Bát Tràng là một làng cổ ven đô thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội có truyền thống sản xuất đồ gốm từ thời Lý- Trần cho đến ngày nay. Sản phẩm gốm Bát Tràng trong nhiều thế kỷ qua, mang sắc thái riêng ,được ưa dùng từ trong dân gian đến cung đình, từ quà tặng biếu đến đồ cống phẩm ngoại giao. Long đình  chính là một loại hình sản phẩm đồ gốm thờ độc đáo của làng gốm Bát Tràng, có ý nghĩa trong đời sống tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân thế kỷ XVII.

             Trong sưu tập đồ gốm Bát Tràng, dòng gốm thờ có các loại chân đèn và lư hương nhưng kiểu dáng long đình rất hiếm. Trên long đình thể hiện kỹ thuật trang trí nổi, để mộc kết hợp với sử dụng men trắng ngà và nâu cùng với vẽ lam và xanh rêu đã tạo ra những đồ gốm men “Tam Thái” rất riêng của Bát Tràng thế kỷ XVII.

 

Đề tài trang trí trên Long đình là những mẫu hoa văn đặc trưng của gốm Bát Tràng thế kỷ XVII, chẳng những có nhiều mẫu tương đồng với chân đèn, lư hương bằng gốm mà còn giống trang trí trên cây hương bằng đá có minh văn tạo tác vào thế kỷ XVII.

Long đình là hiện vật có giá trị đặc biệt, góp phần nghiên cứu lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam. Chiếc Long đình  này cho thấy sự kết hợp tài khéo của các kỹ thuật đắp chạm nổi, dán ghép với vẽ bằng men lam. Long đình là một biểu tượng đỉnh cao của kỹ thuật tạo tác trang trí trong dòng gốm cổ Bát Tràng. Đây là một hiện vật gốc, độc bản, tiêu biểu của loại hình gốm thờ ở Việt Nam thế kỷ XVII rất xứng đáng đề nghị tôn vinh là một Bảo vật quốc gia.

                           

  

 

 

 

       TS.Nguyễn Đình Chiến